Vì sao người dân không nhận hàng ngàn sổ đỏ?

   

Nhiều địa phương trong tỉnh đang tồn hàng ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã ký và chưa ký ở văn phòng đăng ký đất đai.

 

Sổ đỏ tồn đọng tại Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc
Sổ đỏ tồn đọng tại Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Vì sao người dân cần sổ đỏ, cơ quan chức năng cần hoàn thành chỉ tiêu nhưng khó thực hiện.

* Hàng ngàn sổ đỏ tồn kho

TP.Biên Hòa đang tồn đọng khoảng 4,8 ngàn sổ đỏ tại văn phòng đăng ký đất đai. Trong số này, có những sổ đỏ đã ký từ 15-20 năm trước, có hồ sơ mới hoàn thành cách đây vài tháng.

Phó giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa Đặng Văn Luận cho biết, những năm qua, thành phố rất quan tâm đến công tác cấp sổ đỏ cho người dân. Hàng năm, đơn vị đều ban hành kế hoạch, tổ chức đăng ký và cấp sổ đỏ đồng loạt. Khi đó, nhiều người dân đã đăng ký làm nhưng đến khi ra sổ đỏ rồi lại không đến nhận.

“Có trường hợp đăng ký cấp sổ đỏ nhưng sau đó bán đất cho người khác, người sau không biết liên hệ lấy sổ, làm thủ tục sang tên. Có trường hợp người đăng ký cấp sổ đỏ đã mất nên không nhận được. Đất có quy hoạch dự án, thông báo thu hồi nên người dân không tiếp tục làm sổ. Cũng có trường hợp vì chi phí cao nên người dân chưa làm sổ đỏ…” - ông Luận nêu nguyên nhân.

Việc sổ đỏ đã ký nhưng người dân chưa hoặc không đến nhận buộc văn phòng đăng ký đất đai phải bố trí không gian lưu trữ, bảo quản hồ sơ. Hàng năm, đơn vị phải làm văn bản gửi các phường, xã thông báo đến từng cá nhân đến làm thủ tục nhận sổ đỏ.

Tại H.Trảng Bom, không chỉ tồn đọng sổ đỏ mà nhiều hồ sơ đã làm các thủ tục nhưng chưa ký được. Phó trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom Bùi Xuân Hoàn cho biết, trước đây huyện ký hồ sơ, người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính xong thì nhận sổ đỏ, do đó có trường hợp thuế cao người dân không nộp tiền dẫn đến tồn sổ ở văn phòng đăng ký đất đai. Hiện nay, người sử dụng đất đóng tiền xong mới ký hồ sơ nên không tồn sổ đỏ mà lại tồn hồ sơ đã làm xong nhưng chưa ký được.

Để được cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, người dân phải nộp các khoản: lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ đỏ, phí thẩm định hồ sơ. Trong đó, “nặng” nhất là lệ phí trước bạ tính theo diện tích và hệ số đất.

Không chỉ TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom mà các địa phương trong tỉnh cũng trong tình trạng người có nhu cầu chưa được sở hữu sổ đỏ, cơ quan quản lý khó hoàn thành chỉ tiêu. Tất nhiên, cũng có địa phương hoàn thành cả hai việc này.

Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh H.Xuân Lộc Vũ Văn Vũ cho biết, địa phương có tồn sổ đỏ nhưng số lượng rất ít và tồn đã lâu. Những năm gần đây, huyện không tồn sổ đỏ, không tồn hồ sơ chưa ký mà còn vượt chỉ tiêu diện tích, số thửa cấp sổ. Cách làm là thông báo rộng rãi chủ trương, quy trình, điều kiện cho người dân biết. Tận tình hỗ trợ người dân hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết. Thông báo ngay cho người dân khi hồ sơ được giải quyết.

* “Chê” sổ đỏ vì thuế, phí cao

Trong số các nguyên nhân dẫn đến chậm đăng ký, nhận sổ đỏ thì tiền thuế là nguyên nhân chính. Tùy theo từng tuyến đường, vị trí thửa đất, người dân muốn chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở, số tiền phải nộp từ 2-20 triệu đồng/m2.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ KP.2, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) làm thủ tục cấp sổ đỏ tại UBND P.Bửu Long
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ KP.2, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) làm thủ tục cấp sổ đỏ tại UBND P.Bửu Long

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ KP.2, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay: “Thửa đất của gia đình tôi đang tính làm thủ tục để được cấp sổ đỏ, nhưng tiền chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và các loại thuế phí hết khoảng 13 triệu đồng/m2. Với số tiền lớn như vậy phải đóng liền trong một lúc để lấy sổ đỏ, gia đình tôi không đủ điều kiện”.

Mức thuế, phí trên nếu gia đình bà Thủy muốn chuyển mục đích sử dụng sang đất ở khoảng 100m2 sẽ cần khoảng 1,3 tỷ đồng.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Loan (ngụ KP.Long Đức 1, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, năm 2019, bà làm hồ sơ đăng ký cấp sổ đỏ, mãi năm 2022 mới hoàn thành các thủ tục. Khi nhận thông báo, gia đình bà quyết định dừng lại vì khoản tiền phải đóng gần 700 triệu đồng.

Đóng tiền thuế sử dụng đất là quy định bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vì khoản tiền phải nộp khá cao mà không ít hộ gia đình chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Người dân kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất. Tức là thay vì phải đóng “một cục” để lấy sổ đỏ, có thể chia đóng trong 5-10 năm. Cách này vừa giúp người dân sớm được sở hữu sổ đỏ, vừa giảm số tiền phải đóng do áp dụng theo hệ số đất tỉnh ban hành hàng năm, giảm bị phạt chậm nộp thuế. Ngoài ra, cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ người dân xác minh nguồn gốc đất, ký giáp ranh đất, xử lý mặt bằng đất; linh hoạt trong áp dụng các quy định.

Phó giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa Đặng Văn Luận cho rằng, để khắc phục hạn chế này, khi nhận thông báo thuế, người dân nên sớm đóng tiền, hoàn thành thủ tục để được nhận sổ đỏ, tránh phát sinh tiền phạt chậm đóng thuế. Xác định rõ nguồn gốc, loại đất để khai khi đăng ký làm sổ đỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Hoàng Lộc